Phương pháp Giáo dục sớm không phải “tiểu học hoá”
Phương pháp giáo dục sớm không còn là chủ đề xa lạ đối với các cặp phụ huynh hiện đại. Bất kì phụ huynh nào cũng muốn trẻ có thể được rèn luyện và phát triển năng khiếu sớm nhất có thể để nhận ra được ưu điểm, sở trường của trẻ để có thể đầu tư và giáo dục trẻ đúng cách trong quá trình trưởng thành. Tuy nhiên, nhiều sai lầm trong việc giáo dục sớm về phương pháp lẫn khái niệm sẽ dễ dàng khiến trẻ bị áp lực và “phản tác dụng”.
Giáo dục sớm là gì?
Giáo dục sớm là phương pháp giáo dục đối với trẻ từ giai đoạn còn là bào thai cho đến 6 tuổi. Phương pháp này áp dụng để trẻ có thể phát triển nổi trội về thể chất lẫn trí tuệ qua việc nhận ra, khơi dậy và phát triển những tiềm năng có sẵn của trẻ, tạo nền tảng để trẻ phát triển toàn diện trong tương lai.
Học càng nhiều, càng sớm, càng tốt?
Số ít phụ huynh nghĩ rằng, phải cho trẻ học càng nhiều thứ càng tốt thì trẻ mới có thể biết được nhiều thứ và có sở trường ở lĩnh vực nào. Việc này dễ dàng khiến trẻ khá áp lực trong việc phải tiếp thu lượng kiến thức quá nhiều so với độ tuổi và dẫn đến trẻ dễ bỏ cuộc và không còn hứng thú với việc học các lớp năng khiếu nữa.
Sở trường của trẻ sẽ thể hiện và được hình thành trong suốt quá trình trẻ trải nghiệm các môn học, hoạt động vui chơi của trẻ. Những khả năng này hoàn toàn tự nhiên và ba mẹ có thể hoàn toàn theo dõi và nhận ra được ưu điểm của bé. Từ đó có thể sàng lọc những môn học có thể hỗ trợ cho bé tuy nhiên lượng kiến thưc và thời gian chắc chắn sẽ phải được phân bổ hợp lý để tránh gây áp lực cho trẻ.
Không “tiểu học hoá” sẽ thua thiệt các bạn khi lên cấp học cao hơn
Một vài phụ huynh luôn hiểu giáo dục sớm là phải chuẩn bị những chương trình ở cấp học sau thật sớm để trẻ có thể theo kịp bạn bè. Rất nhiều trường hợp trẻ phải học rất nhiều kiến thức chuẩn bị vào lớp 1. Và điều này thường được ba mẹ nghĩ là sẽ tốt cho trẻ trước khi vào tiểu học. Việc làm này không sai nhưng nếu không áp dụng đúng phương pháp và phân bổ chúng hợp lý rất dễ dẫn đến tình trạng “khủng hoảng trước tiểu học”.
Mọi kiến thức nên được truyền tải một cách tự nhiên, khéo léo và khoa học
Thường trẻ ở độ tuổi này chỉ tập trung vào các hoạt động vui chơi, vận động và tìm hiểu mọi thứ xung quanh. Việc chuẩn bị cho trẻ vào tiểu học là đúng nhưng lượng kiến thức này cần được đưa vào chương trình học của trẻ một cách khéo léo và khoa học. Các bảng chữ cái, con số nên được lồng ghép vào những trò chơi vận động trên lớp và ở nhà. Thời gian học cũng là điều khá quan trọng vì nếu học quá nhiều sẽ khiến cho trẻ bị nản và ngột ngạt với lượng kiến thức còn quá mới.
Như vậy, giáo dục sớm không phải là dồn ép lượng kiến thức và thời gian cho trẻ vào việc học quá nhiều. Điều đó còn tuỳ thuộc vào khả năng cũng như ưu điểm của trẻ mà cần phân bổ và lựa chọn phương pháp một cách hợp lý và khoa học. Bởi vì ở độ tuổi này, tuy là khả năng tiếp thu sẽ khá tốt nhưng việc nhồi ép trẻ cũng sẽ phản tác dụng và có thể dẫn đến những tình huống xấu hơn.